Sân bay LiBi dưới lòng hồ Kẻ Gỗ: Trận địa bi tráng không thể lãng quên!

0 Bởi: TATA MIMI.COM

Sân bay LiBi dưới lòng hồ Kẻ Gỗ: Trận địa bi tráng không thể lãng quên!

Gần 30 năm sau khi xây hồ Kẻ Gỗ, hài cốt hàng trăm liệt sỹ đã hy sinh trên đường 22 và sân bay LiBi mới được cất bốc. Năm 2010, ngôi miếu nhỏ được xây dựng để thờ cúng những hồn thiêng giữa đại ngàn…

Chứng tích từng bị lãng quên

Sau ngày thống nhất non sông, năm 1976, tỉnh Hà Tĩnh đã thi công hồ Kẻ Gỗ phục vụ công tác thủy nông tưới tiêu cho các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Can Lộc…

Tất cả mọi chứng tích chiến tranh trên đoạn đường 25km từ đầu đường 22 (khu vực  Đá Bạc) đến sân bay LiBi nay đã chìm sâu dưới lòng Hồ Kẻ Gỗ.

Người dân xã Cẩm Mỹ kể lại, trong quá trình thi công, những người đi xây hồ Kẻ Gỗ chỉ di dời những ngôi mộ liệt sĩ tại nghĩa trang Đá Bạc chứ không nắm rõ về sân bay LiBi hay những trận đánh ác liệt từng xảy ra nơi đây.

Giải thích cho sự lãng quên này, những người nghiên cứu sâu về đường 22 và sân bay LiBi nhận định: Sau trận đánh ngày 7/1/1973, tại sân bay LiBi, toàn bộ nguồn lực của quốc gia dồn cho chiến dịch giải phóng hoàn toàn miền Nam. Một mặt trận tan tành như sân bay LiBi, nằm giữa chốn rừng sâu núi thẳm, tạm thời không được để ý đến - đó cũng là điều dễ hiểu…

 

Mãi đến sau này, người dân địa phương kể rằng, vào năm 2005, sau khi có người đánh cá trong lòng hồ phát hiện ra những ngôi mộ khi nước hồ rút, xã mới bắt đầu cho cất bốc, di dời số mộ này ra khỏi lòng hồ.

Theo báo cáo của UBND huyện Cẩm Xuyên, để tri ân các liệt sỹ hy sinh trên tuyến đường 22 và sân bay dã chiến LiBi, trong những năm qua ngành chức năng, nhân dân địa phương cũng đã nhiều lần phối hợp tìm kiếm, cất bốc, di dời thi hài các liệt sỹ về nghĩa trang liệt sỹ huyện Cẩm Xuyên một cách trọng thể.

Tuy nhiên do bom đạn, những biến đổi của thiên nhiên và việc xây dựng công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ đã làm cho việc tìm kiếm, cất bốc hết sức khó khăn. Cho đến nay chỉ mới cất bốc được hơn 100 hài cốt liệt sỹ (đều chưa có thông tin) về nghĩa trang liệt sỹ huyện.

Theo nhận định của các ngành chức năng, nơi đây còn hàng trăm hài cốt liệt sỹ chưa được tìm thấy.

Miếu thờ các liệt sỹ hy sinh tại sân bay LiBi

Về thăm hồ Kẻ Gỗ hôm nay sau 45 năm ngày đất nước thống nhất, chúng tôi được ông Nguyễn Phi Công (SN 1964, trú xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) - Phó Giám đốc BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ - dẫn về tận thượng nguồn cách khu vực chân hồ hơn 10km.

Trong chuyến ngược nguồn, ngồi trên thuyền, ánh mắt ông Công cứ đau đáu về những ký ức đau thương. Ông kể: "Đến tận bây giờ tôi vẫn không thể quên bất kỳ chi tiết nào về hình ảnh trận mưa bom vào rạng sáng ngày 7/1/1973. Do người hy sinh trong trận đánh đó quá nhiều nên bố của tôi (Chủ nhiệm Hợp tác xã Mua bán thời kỳ 1965-1975) phải đi vay từng chiếc hòm của người dân trong xã mang vào chôn cất các liệt sỹ".

 

Sau khi lớn lên, ông Công đi học, từng có thời gian tham gia quân ngũ rồi trở về địa phương công tác. Năm 1991, ông được điều động về làm việc tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ.

Năm 2010, trong một lần dẫn đoàn cán bộ công tác tại Sở Giao thông TP Hồ Chí Minh đi tham quan hồ Kẻ Gỗ, ông đã kể cho họ nghe về lịch sử những trận đánh ở đây. 

“Hàng năm cũng có những đoàn cựu TNXP đến chân hồ Kẻ Gỗ nhìn về phía xa nơi sân bay LiBi đã chìm sâu trong nước mà khóc lóc. Rồi họ lặng lẽ cắm những nén hương bên bờ hồ cho những đồng đội đã nằm lại mãi ở nơi này” - ông Công kể.

Sau khi nghe ông Công kể những câu chuyện trên, những người đi trên thuyền hồi đó đã rút túi góp được 24 triệu đồng nhờ ông và ông Phan Văn Tiến (Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Kẻ Gỗ, nay đã nghỉ hưu) lập một miếu thờ bên sân bay LiBi để người dân có thể đến thắp hương cho các anh chị bộ đội, TNXP… đã hy sinh tại đây.

Do nguồn kinh phí chưa đủ nên ông Công và ông Tiến đi vận động thêm rồi trình thủ tục xây miếu thờ các liệt sỹ hy sinh trên tuyến đường 22 và sân bay LiBi lên UBND huyện Cẩm Xuyên.

Ghi lòng tạc dạ sự hy sinh anh dũng của các lực lượng nơi đây, cũng như thỏa nguyện một phần nào niềm mong mỏi của những người còn sống, UBND huyện Cẩm Xuyên đã cùng vào cuộc quyên góp xây dựng được ngôi miếu thờ trị giá hơn 130 triệu đồng.

Ngôi miếu được xây dựng cuối năm 2010 đến đầu năm 2011 thì hoàn thành. Huyện Cẩm Xuyên cũng đã tổ chức lễ cầu siêu cầu mong cho các linh hồn liệt sỹ được siêu thoát. Nhiều đoàn khách cũng đã tìm về với nơi này để thắp nén tâm hương tưởng nhớ các chiến sĩ bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến…

Vẫn còn nhiều trăn trở…

Sau khi xây xong miếu, có nhiều ý kiến cho rằng phải làm rõ ngôi miếu này thờ ai, câu chuyện lịch sử của những người được thờ tự. Ghi nhận những ý kiến trên, 9 năm trôi qua, ông Nguyễn Phi Công mò mẫm đi tìm các hài cốt liệt sỹ hy sinh trên tuyến đường 22 và trận đánh sân bay LiBi.

“Được lãnh đạo cơ quan tạo điều kiện giúp đỡ, không kể mưa hay nắng, ròng rã 9 năm trôi qua tôi đã đi dò tìm các nhân chứng còn sống cũng như các tư liệu để tìm thông tin những người đã hy sinh ở đây. Nhiều lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc vì những thông tin hết sức mơ hồ, nhưng có một điều gì đó cứ thôi thúc tôi tìm kiếm nên tôi lại tiếp tục lên đường. Đến tìm thông tin từ chính quyền không được, người thân của liệt sỹ không còn, tôi lại tự mò mẫm đến nghĩa trang liệt sỹ dò tìm từng bia mộ” - ông Công kể về những khó khăn khi tìm thông tin các liệt sỹ để điền vào danh sách trong miếu thờ.

Sau những năm tháng dài lặng lẽ kiếm tìm và kết nối, gặp gỡ nhiều nhân chứng, ông tạm thời có được danh sách 28 thanh niên xung phong và 32 liệt sỹ (trong đó toàn bộ các liệt sỹ đã hy sinh đúng vào trận tập kích ngày 7/1/1973) đã hy sinh tại mặt trận này. Nhưng đó mới chỉ là danh sách những người có tuổi có tên…

Ông Nguyễn Viết Ninh, Trưởng Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ thừa nhận, phần lớn những ai đến với khu vực sân bay đều cảm nhận được sự linh thiêng riêng có ở nơi này.

 

“Những năm gần đây, nhiều đoàn khách cũng đã tìm về nơi này để được thắp nén tâm hương tưởng niệm sự hy sinh của các anh, các chị. Nhưng với những chiến công, những hy sinh, cống hiến của thế hệ cha anh thì ngôi miếu mới chỉ là một nơi hương khói đơn thuần, chứ chưa phải là một công trình để ghi dấu cho những chiến công đã hóa thành bất tử.” - ông Ninh trăn trở.

Cũng theo ông Ninh, mong muốn của ban quản lý, người dân nơi đây cũng như thân nhân các liệt sỹ là một ngày nào đó có điều kiện xây sửa lại miếu thờ để việc tri ân các anh hùng liệt sỹ được đầy đủ, trang nghiêm hơn nữa, xứng đáng với tầm vóc lịch sử cũng như tính chất bi tráng của trận địa đặc biệt này…

Tiến Hiệp

zalo